Có nên đi học đại học hay không?
Trong bài viết này tôi chia sẻ góc nhìn cá nhân về sự cần thiết của việc phát triển một website mạng xã hội các bản đồ tri thức, sự khuyến khích phát triển mô hình “giáo dục độc lập” liên quan đến vấn đề cải cách giáo dục. Tuy nhiên, trước tiên tôi nêu ra một số câu chuyện liên quan tới kiến thức, kỹ năng và những phân tích, lý giải về vấn đề cải cách giáo dục.
Câu chuyện thứ nhất, có nên đi học đại học hay không?
Những người không ủng hộ việc đi học đại học thì đưa ra các dẫn chứng về những ông chủ thành đạt, nổi tiếng trên thế giới không học hết đại học và họ cho rằng học đại học là lãng phí thời gian. Còn những người ủng hộ việc học đại học thì đưa ra thống kê về tỷ lệ những người thành đạt có bằng đại học cao hơn nhiều những người không có bằng đại học. Vậy ai đúng và ai sai và đâu là mấu chốt của vấn đề?
Thứ nhất, liệu kiến thức và kỹ năng của con người có phải luôn luôn phải được xác nhận bằng chứng chỉ và bằng cấp?
Trên thực tế, kiến thức và kỹ năng của con người có được từ rất nhiều nguồn khác nhau, có thể qua đào tạo có chứng chỉ xác nhận (học qua trường lớp và các khóa học) hoặc không có chứng chỉ xác nhận (tự học, học từ người khác..). Nhưng chắc chắn để làm được một việc nhất định nào đó buộc họ phải có những kiến thức và kỹ năng nhất định. Chúng ta không nên chỉ nhìn vào chứng chỉ bằng cấp để đánh giá kiến thức và kỹ năng của một con người.
Vì vậy mới có chuyện nhiều người không học hết đại học nhưng họ có thể tạo nên những kỳ tích mà những người học thạc sỹ và tiến sỹ cũng không làm được.
Câu chuyện thứ hai, về tuyển dụng vị trí Teller cho ngân hàng. Có hai ứng viên:
Người thứ nhất mới chỉ tốt nghiệp phổ thông trung học nhưng có kinh nghiệm giao tiếp và được đào tạo kỹ năng giao tiếp khách hàng, có học khóa học về các sản phẩm ngân hàng. Người thứ hai là thạc sỹ về kinh tế, cử nhân luật nhưng chưa học về sản phẩm ngân hàng và chưa học kỹ năng giao tiếp. Rõ ràng, nếu xét về khả năng để đảm nhiệm công việc Teller thì người thứ nhất phù hợp hơn vì bằng cấp và kinh nghiệm của họ là có ích và phù hợp hơn. Mặc dù người thứ hai có kiến thức rộng hơn nhưng lại không thực sự phù hợp với công việc.
Thứ hai, kiến thức hữu ích và kiến thức không hữu ích
Theo tôi, việc đánh giá một con người không phải dựa vào việc họ có bao nhiêu bằng cấp và kiến thức trong đầu mà quan trọng là họ có bao nhiêu kiến thức và kỹ năng có thể áp dụng vào thực tế có hiệu quả. Trong thời đại hiện nay việc có được kiến thức và kỹ năng là không khó. Cái khó là biết sử dụng và lựa chọn kiến thức nào hiệu quả và phục vụ cho mục đích của mình.
Câu chuyện thứ ba, tôi muốn kể về việc tôi dạy con.
Khi mới sang Canada, thì tôi khá chú trọng vào việc dạy con các kiến thức như làm quen với chữ, số.
Nhưng đối với các cô giáo tại Canada thì họ lại không quan trọng việc trẻ có biết các kiến thức đó hay không mà các cô giáo thường yêu cầu bố mẹ tập trung hơn vào đào tạo các kỹ năng độc lập như biết tự thay đồ dùng cá nhân, biết giao tiếp với bạn bè, những kỹ năng vận động tốt cho sức khỏe hoặc các kỹ năng liên quan tới nghệ thuật như cắt dán, tô màu…