Tin tức

Tổng hợp trang phục cổ trang Việt Nam qua các thời kỳ

Nước ta có một nền lịch sử, văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng được thể hiện khá rõ rệt thông qua sự đa dạng về trang phục, phong tục tập quán, trong sách vở, thi ca,….Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những trang phục cổ trang Việt Nam qua các thời kỳ để hiểu rõ phần nào về nền văn hóa truyền thống đã kéo dài và lưu truyền từ ngàn năm qua.

Mục Lục

Trang phục cổ trang Việt Nam

Trang phục cổ trang thời kỳ tự chủ (Từ thế kỷ thứ 10 đến trước thời Lý)

Ở thời kỳ tự chủ nói riêng và trong thời phong kiến nói chung, áo của người Việt cổ được phân thành 3 loại chính theo cách cắt cổ áo:

– Áo giao lĩnh: Là loại áo có cổ cắt thành vạt chéo và cài sang phải bằng cách thắt vạt. Loại áo này thường được may bằng sợi bông, gai, tơ tằm đơn sắc, quý hơn là gấm thất thể (gấm 7 màu). Tay áo cắt rộng, khi thả xuống thì dài đến gấu áo. Đây là loại áo lễ phục cao cấp nhất, được mặc trong các dịp lễ tế. Áo giao lĩnh được chia thành nhiều loại: Cổn phục mặc trong lễ tế Giao (tế Trời Đất – lễ nghi quan trọng nhất trong thời phong kiến nước ta); phổ phục hay bổ phục mặc trong các lễ thường và để tập dượt cho lễ đại tế; áo giao lĩnh và áo thụng thông thường để mặc ở lễ tế đình, miếu.

– Áo trực lĩnh: Là loại áo có cổ cắt thành vạt xẻ dọc ở giữa thân trước, áo may rộng, xẻ vạt bên hông, tay áo cắt dài bằng gấu. Áo trực lĩnh chủ yếu được sử dụng cho phụ nữ. Loại áo tứ thân phổ biến của người phụ nữ Bắc bộ cũng là một dạng áo trực lĩnh.

Trang phục cổ trang Việt Nam qua các thời kỳ
Trang phục cổ trang Việt Nam qua các thời kỳ

Tìm hiểu thêm: Trang phục đi biển

– Áo bàn lĩnh (hay viên lĩnh): Là loại áo cổ tròn, vạt cài sang phải tương tự như áo giao lĩnh. Đây là loại áo rất phổ biến trong triều đình nước ta thời xưa, Áo bàn lĩnh được may bằng gấm thất thể, cỡ áo rộng, xẻ bên, tay áo dài bằng gấu. Áo bàn lĩnh bao gồm các loại long bào (cho vua), phượng bào (cho phi, hậu), mãng bào (cho vương công) và quan phục (cho quan lại) mặc trong các nghi lễ hay khi thiết triều,….

Những loại áo này được sử dụng ở hầu hết các triều đại của nước ta, chỉ khác nhau về mức độ phổ biến trong dân gian theo mỗi thời kỳ.

Ở bên dưới, người phụ nữ mặc váy dài còn đàn ông thì đóng khố. Các loại quần chỉ được sử dụng sau khi nước ta bắt đầu tiếp xúc với nền văn hóa Trung Hoa.

Trang phục cổ trang thời Lý – Trần

Đến thời Lý, Trần, người Việt Nam thường mặc áo giao lĩnh, áo viên lĩnh, bên dưới mặc váy quây màu đen (gọi là thường) hoặc mặc quần hay khố. Nam thì đội mũ chữ đinh (hay còn gọi là mũ đinh tự) dạng như con ốc.

Trang phục cổ trang thời hậu Lê

Đến thời Hậu Lê, áo giao lĩnh cũng vẫn là loại trang phục được sử dụng phổ biến. Căn cứ theo Vạn quốc nhân vật chi đồ của Nhật Bản được soạn vào năm 1645, người đàn bà thường đội nón rộng, mặc áo giống như áo giao lĩnh có hai vạt buông thõng, bên dưới mặc váy. Đàn ông búi tóc, mặc áo giao lĩnh.

Đến thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, để phân biệt với Đàng Ngoài, chúa Nguyễn Phúc Khoát ban bố lệnh sửa đổi cách ăn mặc của người dân ở Đàng Trong. Trong đó, phụ nữ phải bỏ váy, mặc quần, áo cài khuy và không được thắt vạt, đàn ông thì mặc áo dài. Còn ở Đàng Ngoài vẫn giữ kiểu trang phục như cũ, đàn ông mặc áo giao lĩnh, phụ nữ mang áo tứ thân buộc vạt.

Trang phục cổ trang thời Nguyễn

Sau khi thống nhất hai miền, nhà Nguyễn bắt đầu chỉnh đốn lại về trang phục. Đầu thế kỷ thứ 19, vua Minh Mạng ra lệnh cho người dân phía Bắc thay đổi trang phục theo giống với phía Nam. Đàn ông bắt đầu mặc áo dài, phụ nữ từ dải Hoành Sơn trở vào cũng mặc áo dài trong khi từ Hà Tĩnh trở ra thì vẫn mặc áo tứ thân theo kiểu cũ.

Trang phục cổ trang Việt Nam
Trang phục cổ trang Việt Nam

Xem thêm: Trang phục đi đám cưới đơn giản

Ngoài ra, người phụ nữ Việt Nam thời xưa còn mặc yếm là một mảnh vải vuông che ngực, một góc được cắt lẹm đi rồi đính hai dải vải buộc sau gáy. Hai bên trái phải cũng được đính hai dải vải để buộc ra sau ngực. Thông thường, người phụ nữ khi ở nhà chỉ mặc yếm, chỉ khi ra ngoài mới mặc áo.

Những loại trang phục này được sử dụng phổ biến ở nước ta đến đầu thế kỷ 20 thì bắt đầu mờ nhạt dần khi lối y phục theo văn hóa phương Tây bắt đầu du nhập và trở nên phổ biến. Ngày nay, chúng chỉ còn được nhìn thấy trong các ngày lễ tết, hội hè truyền thống.

Trên đây là thông tin về các loại trang phục cổ trang Việt Nam qua các triều đại mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng sau khi tham khảo xong bài viết này, các bạn đã có thêm những kiến thức thú vị và bổ ích về trang phục truyền thống cũng như nền văn hóa đặc sắc mà cha ông ta đã để lại sau hơn 1 ngàn năm xây dựng đất nước


 

 

Facebook Comments Box
Rate this post