Tìm hiểu nét đặc sắc trong trang phục Khơ Me
Trang phục của người Khơ Me với nhiều gam màu sặc sỡ, tinh tế và mang những nét độc đáo riêng. Hãy tìm hiểu về những thông tin thú vị về trang phục Khơ Me trong bài viết dưới đây.
Mục Lục
Giới thiệu về dân tộc Khơ Me
Khmer (hay Khơ Me) là một trong 54 dân tộc thuộc cộng đồng các dân tộc Việt Nam và sinh sống lâu đời ở đồng bằng sông Cửu Long. Người Khmer có tiếng nói và chữ viết riêng, nhưng cùng chung một nền văn hoá, một lịch sử bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam.
Ở nước ta, dân tộc Khmer hiện có khoảng 1,3 triệu người, sống tập trung ở tại các tỉnh Nam Bộ như Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Long… Đồng bào Khmer sống xen kẽ với đồng bào Kinh, Hoa trong các phum, ấp, sóc.
Trong quá trình tìm đất định cư, bà con Khmer đã chọn những rẻo đất cao trên các giồng dọc theo bờ sông Hậu, sông Tiền, nương nhờ vào thiên nhiên để trồng trọt và sinh sống. Cuộc sống của người Khmer gắn liền với nghề canh tác lúa nước và nhiều nghề thủ công.
Đồng bào Khmer sùng kính đạo Phật. Đối với họ, chùa chiếm vị trí vô cùng quan trọng và mỗi ấp đều có một ngôi chùa. Từ lâu, chùa Khmer không chỉ là nơi diễn ra các sinh hoạt tôn giáo mà còn là điểm sinh hoạt văn hoá của đồng bào. Dân tộc Khmer có cả một kho tàng phong phú về truyện cổ và có kiến trúc chùa tháp đặc sắc.
Mặc dù có sự cộng cư lâu đời với người Việt, người Hoa nhưng người Khmer ngày nay vẫn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Các lễ hội lớn trong năm là dịp để đồng bào Khmer thể hiện những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Trong lĩnh vực phục sức, do quá trình cộng cư với người Việt, người Khmer đã thích nghi với cách mặc gần hoàn toàn như người Việt. Tuy nhiên, trong dịp lễ hội, đám cưới… thì yếu tố văn hóa truyền thống trong trang phục Khơ Me vẫn còn đậm nét.
Tìm hiểu nét đặc sắc trong trang phục Khơ Me
Xem thêm: Nét độc đáo trong bộ trang phục dân tộc Dao Đỏ
Trang phục Khơ Me truyền thống
Trang phục người phụ nữ Khơ Me rất cầu kỳ, hoa văn trang trí tinh xảo, màu sắc rực rỡ và được điểm bằng những hạt cườm, kim sa lấp lánh, vô cùng công phu, độc đáo. Lụa và tơ tằm là loại vải chủ yếu dùng để may trang phục của người Khmer.
Người Khơ Me cũng thường dùng màu đen trong trang phục của mình để thích nghi với điều kiện lao động nông nghiệp. Không chỉ vậy, họ còn rất khéo léo trong việc nhuộm vải với kỹ thuật nhuộm truyền thống Batik và Tkat tạo nên những loại vải bông và vải lụa, màu đen bóng, lâu phai.
Trang phục truyền thống của người Khơ Me là sự cộng hưởng của phong tục, tập quán, trong cuộc sống đời thường và cả lễ hội truyền thống. Trang phục được chia làm hai loại là trang phục thường ngày và trang phục lễ hội.
Ngày thường, người phụ nữ người Khmer mặc trang phục bằng tơ lụa, màu sắc khá rực rỡ, bao gồm: váy, áo dệt bằng tơ tằm hay chỉ kim tuyến thêu hoa văn khác nhau, áo tầm vông hay còn gọi là áo cổ vòng được kết hợp hài hòa với xà rông và sbay.
Trong đó, áo tầm vông thường được dệt bằng tơ tằm hay chỉ kim tuyến với nhiều họa tiết hoa văn khác nhau. Còn xà rông là một mảnh thổ cẩm dài 3,5m và rộng khoảng một mét, khi mặc thì cuốn lại che nửa người phía dưới.
Bên cạnh đó, phụ nữ Khơ Me cũng mặc nhiều loại váy khác nhau, nhưng thường xuyên nhất là Xăm pốt. Đây là loại váy được làm bằng vải rộng, khi vận quấn quanh người, phần còn lại luồn qua hai chân rồi quấn lên thắt lưng, tạo thành một chiếc quần rộng. Đặc biệt dù mặc trang phục nào thì họ cũng không thể nào thiếu sbay – một loại khăn lụa mềm mại được cuốn chéo từ vai trái xuống bên sườn phải.
Ngoài ra, trong sinh hoạt hàng ngày, đàn ông lớn tuổi người Khmer mặc quần áo bà ba màu trắng hoặc đen. Họ quấn khăn rằn trên đầu và chít hai đầu khăn lại ở phía trước trán, hoặc chỉ quấn khăn quanh cổ. Trong các dịp lễ Tết, họ cũng thường mặc loại trang phục này nhưng chất liệu vải tốt hơn. Thêm vào đó, họ còn quàng khăn dài chéo ngang người rồi vắt lên vai trái. Khi ở nhà, họ thường để mình trần và vận chiếc xà rông kẻ sọc hay dệt hoa văn ô vuông.
Tuy nhiên ngày nay, người Khmer cũng thường mặc giống người Kinh, tùy theo độ tuổi mà họ ăn mặc khác nhau. Người lớn tuổi mặc quần áo bà ba đen với thêm chiếc khăn đội đầu. Người trẻ thì thường mặc quần lụa đen, áo bà ba hoặc quần âu, áo sơ mi.
Tìm hiểu nét đặc sắc trong trang phục Khơ Me
Xem thêm: Khám phá vẻ đẹp độc đáo trong trang phục Mông Cổ
Trang phục lễ cưới của người Khơ Me
Nét đẹp trong trang phục Khơ Me truyền thống được thể hiện rõ nhất vào ngày cưới và các dịp lễ hội. Đối với mỗi người phụ nữ Khơ Me, dù họ có khó khăn thiếu thốn thì cũng cần phải chuẩn bị cho bản thân và gia đình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất để mặc trong các dịp quan trọng.
Trang phục cưới của cô dâu người Khmer gồm ba phần: áo, váy, mũ. Thông thường cô dâu hay mặc chiếc Xăm pốt bằng sợi kim tuyến hay tơ tằm hồng cánh sen hay đỏ sẫm, dài đến cổ chân, có dệt hoa văn, cùng chiếc áo ngắn tay bó chẽn hoặc để hở một bên vai. Áo và Xăm pốt được mặc khít với nhau bằng chiếc thắt lưng kim loại, đó là loại váy bằng tơ tằm, hình ống. Bên cạnh đó còn có một tấm sronko màu đỏ có dạng như cái yếm hình bán nguyệt quàng phía trước quanh chân cổ, che phủ hết phần trên của ngực áo. Tấm sronko này được đính những hạt cườm theo hình hoa văn sặc sỡ.
Trên đầu cô dâu đội mũ cưới hình tháp nhọn nhiều tầng bằng kim loại hoặc giấy bồi cứng, giống một chiếc vương miện nhỏ, được trang trí bằng những hạt cườm lấp lánh thêu hoa và xung quanh mũ kết các chiếc cánh cứng màu xanh biếc của loại bọ cánh cam.
Để tôn thêm nét dịu dàng cho bộ lễ phục thì không thể thiếu sbay được cuốn chéo từ vai trái xuống bên sườn phải. Sbay của cô dâu may bằng vải dệt kim màu vàng và đính hàng nghìn hạt kim sa nhỏ sáng lấp lánh tạo nên hoa văn đa dạng.
Đồ trang sức trong lễ cưới cổ truyền của phụ nữ Khmer chủ yếu làm bằng đồng và hạt cườm. Một số trang sức quý hiếm khác như hoa tai làm bằng đồng, vàng, bạc và các loại hoa tươi để tôn vinh vẻ đẹp trong ngày vui nhất đời của người phụ nữ Khmer.
Đối với trang phục của chú rể ít cầu kỳ hơn, thường là màu trắng. Chú rể thì mặc một chiếc Hôl đỏ thẫm hay màu, cổ cứng, xẻ ngực, tay dài, giữa cài khuy, khăn vắt vai trái. Gắn với trang phục trên người, thứ không thể thiếu của một chú rể Khmer truyền thống là cây quạt giắt sau lưng và thanh kiếm với ý nghĩa bảo vệ người vợ suốt đời.
Trước đây, màu đỏ và vàng được ưa dùng nhất, vì gợi không khí hội hè và cũng là sắc màu trong trang trí kiến trúc tôn giáo truyền thống của người Khmer. Ngày nay, trang phục cưới đã được cách tân, biến tấu theo nhiều kiểu mới lạ, có nhiều màu sắc và đẹp mắt hơn nhưng hầu hết vẫn giữ nét truyền thống, màu đơn sắc trên một bộ đồ. Tuy có phần nào được cải tiến song nhìn chung các bộ trang phục vẫn giữ được nét đặc trưng, thậm chí trở nên đẹp hơn ngày xưa…
Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn đọc hiểu thêm về văn hóa và trang phục Khơ Me.